Dù đối mặt với sự thống trị của iPhone, Sony và Sharp vẫn quyết bám trụ mảng kinh doanh smartphone khi công bố hai mẫu điện thoại mới.
Khi Sony công bố điện thoại Xperia 1 VI ngày 15/5, mạng xã hội X tràn ngập các quan điểm trái chiều. Một số khen ngợi chất lượng camera, số khác lại cho rằng mức giá gần 200.000 yen (1.290 USD) quá đắt đỏ. Smartphone mới của Sony trang bị ống kính camera tinh xảo, có thể chụp rõ nét chim bay xa hoặc cận cảnh chi tiết bông hoa. Sony cũng áp dụng công nghệ tiên tiến và thiết kế sáng tạo để nâng cao chất lượng âm thanh, đồng thời cải thiện thời lượng pin.
Trước đó vài ngày, Sharp cũng trình làng mẫu Aquos R9 sử dụng màn hình OLED thay cho LCD, cho phép xem nội dung hiển thị trên điện thoại dễ dàng ngay cả khi xem dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Theo Nikkei Asia, có nhiều lý do khiến những công ty như Sony và Shartp gặp khó khăn trong việc kinh doanh và thu hồi vốn đầu tư vào các mẫu smartphone mới.
Thứ nhất, Apple hiện chiếm hơn một nửa thị phần smartphone tại Nhật Bản tính theo số lượng máy xuất xưởng. Sony đứng thứ năm với 6%, sau Sharp, Google và Samsung. Xét trên toàn cầu, ngay cả Apple cũng hoạt động không dễ dàng khi thị trường điện thoại dần trở nên bão hòa. Doanh thu của Apple trong quý đầu năm giảm 4% xuống còn 90,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận giảm 2% xuống 23,6 tỷ USD. Lý do là doanh thu toàn cầu của iPhone, vốn chiếm một nửa tổng doanh thu của Apple, đã giảm 10%.
Thứ hai, người tiêu dùng Nhật Bản đang ngại mua smartphone mới do giá quá cao. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, hơn nửa số smartphone do bốn nhà mạng trong nước bán vào quý IV/2023 có giá trên 80.000 yên (500 USD), trong đó nhiều điện thoại trên 100,000 yên. Điều này do chính sách ngăn việc tính gộp giá smartphone vào giá cước di động, cũng như điện thoại ngày càng hiện đại hơn. Từ đó, người tiêu dùng chuyển hướng từ các mẫu cao cấp sang sản phẩm tầm trung, đồng thời có xu hướng sử dụng smartphone trong thời gian dài hơn.
Theo Viện Nghiên cứu MM Research, smartphone đã qua sử dụng bán tại Nhật Bản trong năm 2022 đã đạt 2,34 triệu máy, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước đó và ước tính tăng trưởng tương tự trong năm 2023.
Dù đối mặt với những thử thách, Sony và Sharp vẫn tiếp tục tung ra smartphone mới.
Với Sony, đây là thiết bị giúp hãng trình diễn các bước tiến công nghệ mới nhất, như cảm biến ảnh với khả năng chụp thiếu sáng ấn tượng. Ngoài ra, smartphone đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu của Sony.
Trong khi đó, Sharp, hãng điện tử đứng thứ hai trên thị trường smartphone Nhật Bản, vừa thông báo một đợt tái cấu trúc lớn trong mảng kinh doanh màn hình LCD ngày 15/5. Để hạn chế giảm lợi nhuận, họ dừng sản xuất màn hình TV và đóng cửa một nhà máy sản xuất lớn tại Nhật Bản vào mùa thu tới.
Thương hiệu Aquos vốn mở đầu với sản phẩm TV LCD trước khi mở rộng sang điện thoại. Theo các chuyên gia, những người tiêu dùng trung thành với thương hiệu Aquos đã mua sản phẩm qua nhiều thế hệ. Vì thế, việc duy trì sản xuất điện thoại Aquos, trong đó có mẫu R9 mới nhất, dù tình hình thị trường khó khăn giúp tạo ra cho Sharp một sợi dây liên kết thường trực với người tiêu dùng qua các thế hệ.
Đức Toàn