Trong phiên tòa với FTC, Mark Zuckerberg cho biết coi TikTok là mối nguy hiểm từ khi mới ra mắt, còn ông mua Instagram và WhatsApp vì sợ cả hai thành đối thủ.
Ngày 16/4, CEO Meta Mark Zuckerberg có mặt tại phiên tòa về chống độc quyền với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) ở Washington. Trong suốt 7 tiếng, Zuckerberg trả lời các luật sư của chính phủ, chủ yếu liên quan đến cách Facebook (nay là Meta) cố gắng theo kịp sự bùng nổ của làn sóng di động bằng hàng loạt vụ thâu tóm công nghệ, gồm thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp hơn 10 năm trước, cũng như đối đầu TikTok bằng cách triển khai tính năng video ngắn Reels từ năm 2020.
Theo Bloomberg, nếu FTC chiến thắng, Meta có thể phải tách Instagram và WhatsApp khỏi hệ sinh thái kinh doanh. Nhưng quan trọng hơn, nó cũng sẽ đặt ra những câu hỏi về cách chính phủ Mỹ đánh giá và phê duyệt các thỏa thuận.

Meta CEO Mark Zuckerberg. Ảnh: AP
Xem TikTok là mối đe dọa “cực kỳ cấp bách”
“Chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng của mình chậm lại đáng kể khi TikTok dần phổ biến”, Zuckerberg nói tại phiên tòa. “Đây là vấn đề rất cấp bách, là ưu tiên cần xử lý hàng đầu của công ty sau nhiều năm”.
ByteDance giới thiệu mạng video ngắn Douyin tại Trung Quốc vào tháng 9/2016, tập trung chia sẻ video dưới 60 giây, sau tăng lên 10 phút. Đến tháng 8/2018, một phiên bản dành cho người dùng toàn cầu ra đời, được đặt tên là TikTok.
Theo Zuckerberg, Facebook khi đó cạnh tranh với một loạt nền tảng như YouTube, Apple iMessage, Twitter, Telegram, Snapchat và LinkedIn. Tuy nhiên, TikTok trở thành mối đe dọa nghiêm trọng. “Trong 5 năm tới, mọi người sẽ chia sẻ mọi thứ theo cách mới hơn so với những gì đang diễn ra”, ông nói.
Coi YouTube là đối thủ lớn trong thời gian dài
Bên cạnh TikTok, Zuckerberg cho biết ông coi YouTube là đối thủ lớn không kém. Theo CEO Meta, lượng người dùng các nền tảng của ông giảm xuống, một phần do sự gia tăng của “các hình thức phương tiện truyền thông phong phú hơn”, đặc biệt là video.
“YouTube là đối thủ cạnh tranh nhất đối với những người sáng tạo”, ông nói. “Mọi người dành nhiều thời gian trên YouTube hơn cho Facebook và Instagram cộng lại, chắc chắn nhiều hơn so với từng nền tảng riêng lẻ”.
Trước đó, nghiên cứu công bố tháng 12/2024 của Pew Research cho thấy 90% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi ở Mỹ sử dụng YouTube. Trong khi đó, việc dùng Facebook giảm dần so với mức 71% trong giai đoạn 2014-2015.
Mua Instagram và WhatsApp vì “sợ thành đối thủ”
Meta thâu tóm Instagram với giá một tỷ USD vào tháng 4/2012. Năm 2014, công ty tiếp tục chi 19 tỷ USD mua WhatsApp. Các tài liệu trình bày trong phiên thẩm vấn cho thấy Mark Zuckerberg rất lo lắng vì hai nền tảng có thể đe dọa sự thống trị của Facebook.
Năm 2011, họ phát triển Facebook Camera đối đầu với Instagram, nhưng nhận ra không thể bắt kịp. Zuckerberg gửi email tới nhân viên, nói Instagram “ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh lớn và đầy tính khả thi ở lĩnh vực ảnh di động”, còn Facebook Camera chỉ “ở mức tạm ổn”.
Năm 2013, Zuckerberg nói với giám đốc tăng trưởng khi đó là Javier Olivan rằng ông lo WhatsApp sẽ phát triển tính năng tương tự Facebook “để giành chiến thắng” tại Mỹ và nhiều nơi khác. Ông có “nhiều đêm mất ngủ” và tính đến “một vụ sáp nhập thực sự”. Một năm sau, Facebook mua WhatsApp.
Năm 2018, Zuckerberg chia sẻ trong một email rằng ông e ngại công ty sẽ bị ép chia tách Instagram và WhatsApp “trong 5-10 năm tới”. Để chuẩn bị trước, ông đề xuất đưa Instagram khỏi cấu trúc “gia đình ứng dụng”. Dù vậy, sau đó ông quyết định không để Instagram “ra riêng”.
Facebook giảm sức hút
Zuckerberg ban đầu xây dựng Facebook với mục đích kết nối và chia sẻ nội dung với bạn bè và gia đình. Tại phiên tòa, các luật sư FTC hỏi Zuckerberg về một tài liệu nội bộ từ năm 2022, trong đó ông nói tính năng bạn bè trên Facebook “đang mất dần sức hút”.
Ông xác nhận: “Số lượng người dùng chia sẻ với bạn bè trên Facebook đặc biệt giảm. Ngay cả số lượng bạn bè mới, tôi nghĩ cũng đang giảm. Nhưng tôi không có con số chính xác”.
Tuy nhiên, CEO Meta cho rằng việc nhắn tin giữa các cá nhân hoặc nhóm bạn bè đang trở nên phổ biến hơn, thay vì chia sẻ nội dung lên trang cá nhân. “Nhắn tin có sự tăng trưởng đáng kể, còn việc chia sẻ tin tức trên trang với bạn bè đã giảm”.
Hoàng Oanh (theo CNN, CBNC)
- Facebook thêm lựa chọn ‘quay về nguyên bản’
- Lời kêu gọi tẩy chay Facebook, Instagram ‘không nhiều tác dụng’
- ‘Bản nâng cấp’ của Mark Zuckerberg
- Mark Zuckerberg giảm kiểm duyệt Facebook, Instagram