Màn hình trong suốt đã xuất hiện trên laptop và TV, nhưng được cho là không khả dụng trên điện thoại vì vấn đề liên quan đến quyền riêng tư.
Tại triển lãm di động MWC 2024 cuối tháng 2 tại Barcelona, laptop trong suốt ThinkBook của Lenovo trở thành điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của giới công nghệ. Trước đó tại CES 2024 hồi tháng 1 ở Las Vegas, LG và Samsung cũng ra mắt các mẫu TV trong suốt. Trong khi đó, một câu hỏi đang được đặt ra là khi nào sẽ có smartphone màn hình trong suốt và người dùng có thật sự cần thiết bị như vậy?
Công nghệ phía sau màn hình trong suốt
Theo PhoneArena, hầu hết thiết bị hiện đại sử dụng công nghệ màn hình LED, bên cạnh LCD. LED viết tắt của Light Emitting Diode (điốt phát quang), trong đó điốt là những thiết bị bán dẫn phát ra ánh sáng khi có dòng điện chạy qua.
Sau LED, các nhà sản xuất màn hình đã nghiên cứu công nghệ OLED với nhiều tiến bộ. Trong khi điốt LED được dùng làm đèn nền cho lớp LCD, điốt OLED (Organic LED) có thể phát ra nhiều màu sắc khác nhau với cường độ cao.
Màn hình trong suốt dùng tấm nền không màu để kết nối các điốt và khi không hiển thị, chúng cho phép ánh sáng đi qua. Tùy nhà sản xuất, độ trong suốt có thể tùy chỉnh 70-80%, cho phép người dùng thấy khung cảnh phía sau.
Để làm được điều đó, màn hình cần một cực dương trong suốt và kết nối siêu mỏng hoặc không màu giữa các điốt. Trước đây, công nghệ này khá đắt đỏ, chỉ có thể tạo ra hình ảnh đơn sắc. Nhưng những tiến bộ trong quy trình sản xuất đã giúp tạo màn hình xuyên thấu chất lượng cao.
Điện thoại trong suốt có khả dụng?
Theo các chuyên gia, dù trông có vẻ ấn tượng, ý tưởng điện thoại trong suốt lại không mấy thực tế. Trước tiên là trải nghiệm người dùng. Con người dễ bị phân tâm bởi mọi thứ đang diễn ra phía sau màn hình. Tiếp đến là vấn đề riêng tư khi ai cũng có thể thấy những nội dung đang hiển thị trên điện thoại, dù là hình ảnh ngược.
Các nhà sản xuất có thể giải quyết vấn đề riêng tư bằng cách thêm một lớp điện phân cực để làm cho màn hình trở nên mờ đục và người dùng có thể kích hoạt chế độ này bằng một phím bấm. Tuy nhiên khi làm thế có nghĩa họ không cần màn hình xuyên thấu, mâu thuẫn với mục đích ban đầu của thiết bị.
Một thách thức khác là mỗi điện thoại có hàng nghìn linh kiện khác nhau. Có nghĩa, không chỉ màn hình mà các chi tiết như pin, chipset… đều cần trong suốt. Một giải pháp là nhà sản xuất có thể “gói” những bộ phận này vào một góc nhỏ. Một số hãng điện thoại đã thử nghiệm thiết kế này như Sony Xperia Pureness hay Lenovo S800. Tuy nhiên, ngoài yếu tố lạ mắt, sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của người dùng phổ thông.
Năm 2020, trang LetsGoDigital phát hiện Samsung đã nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho smartphone trong suốt. Tuy nhiên đến nay chưa có thêm thông tin về thiết bị này.
Tương lai của màn hình trong suốt
Dù không khả dụng với điện thoại, màn hình trong suốt được xem là cuộc cách mạng hiển thị. Quảng cáo là một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ tiến bộ công nghệ này.
Trong tương lai, người dùng có thể ngồi tàu điện ngầm, nhìn ra cửa sổ để ngắm cảnh, kết hợp xem nội dung quảng cáo. Theo PhoneArena, một số chuyến tàu điện ở Nhật Bản, Trung Quốc đã thử nghiệm loại hình ở quy mô nhỏ.
Một ứng dụng khác của màn hình trong suốt là thay thế kính cửa sổ. Người dùng có thể xem các chỉ số về thời tiết hoặc thông tin hữu dụng ngay trên mặt kính. Khi đêm xuống, “cửa sổ” có thể biến thành một hệ thống máy chiếu phim tại gia, giúp người dùng hòa mình vào thiên nhiên.
Thực tế hơn, công nghệ này có thể thay kính chắn gió ôtô truyền thống, hiển thị thông tin về tốc độ, điều hướng, cảnh báo, tin tức… để người dùng không cần thêm một màn hình nhỏ sau vô lăng. Chevrolet đã thử nghiệm màn hình HUD dạng này trên mẫu Corvette C6.
Khương Nha