Chuyên gia nêu giải pháp tiếp cận chiến lược ESG từ kinh nghiệm thực tế, xoay quanh đặt mục tiêu, kế hoạch tổng thể, đầu tư thiết bị, số hóa, nhân sự… tại DxTalks phát sóng ngày 1/2.
Chương trình DxTalks số 13, mùa hai có chủ đề “Xu hướng ESG trong doanh nghiệp sản xuất”, phát trên VnExpress ngày 1/2. Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Arnaud Ginolin – đối tác Boston Consulting Group Vietnam, bà Đào Thúy Hà – Phó tổng giám đốc phụ trách Kinh doanh và Marketing Công ty Cổ phần Traphaco, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Phó tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings.
Các chuyên gia cho biết, ESG (Environmental, Social, Governance) là bộ ba tiêu chuẩn để đo lường yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây là xu hướng toàn cầu, không thể tách rời khỏi chiến lược cốt lõi và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, trụ cột Environmental – môi trường được coi như chỉ tiêu hàng đầu, thể hiện cách doanh nghiệp quản lý và giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, bao gồm hoạt động trực tiếp và toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cũng trở nên ý thức hơn về môi trường và sẵn sàng mua sản phẩm xanh. Vì vậy, ông Arnaud Ginolin cho rằng yếu tố E trong ESG không còn đơn thuần là việc công ty áp dụng giải pháp tối ưu trong xử lý chất thải. Ngày nay, tiêu chí này đề cập đến cả cách họ chuyển đổi toàn diện, thậm chí mô hình kinh doanh.
“Nói đến toàn diện, tôi muốn nhấn mạnh việc cung cấp năng lượng xanh, sử dụng vật liệu tái chế và sản phẩm họ bán ra”, ông nói.
Theo ông Arnaud Ginolin, ngành công nghiệp ôtô là một ví dụ điển hình. Các nhà sản xuất OEM không chỉ sử dụng năng lượng xanh mà còn chuyển sang sản xuất xe điện. Vì vậy, “E” thực sự biến đổi hoạt động kinh doanh của các công ty, đó chính là sự thay đổi cốt lõi.
Bàn về vai trò của ESG trong hoạt động kinh doanh, ông Arnaud Ginolin nói rủi ro luôn đi kèm cơ hội. Về rủi ro, ngắn hạn là công ty có thể mất thị trường. Tuy vậy các đơn vị có thể bán sản phẩm với giá cao hơn, tăng vị thế công ty, thu hút và giữ chân nhân tài. Tuy vậy, ứng dụng ESG còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp cụ thể. Khách hàng và nhà đầu tư ngày càng cởi mở với sản phẩm có trách nhiệm xã hội hơn và muốn hiểu rõ sản phẩm họ sử dụng đóng góp hay ảnh hưởng đến xã hội như thế nào.
Câu chuyện ESG với Traphaco có nhiều nét tương đồng với xu hướng trên. Bà Đào Thúy Hà nêu quan điểm của Traphaco là kinh doanh gắn với “sức khỏe xanh”, đi từ ba trụ cột: kinh tế, xã hội, và môi trường, tạo ra nguồn dược liệu đầu vào đảm bảo chất lượng. Từ đó đơn vị hình thành mô hình Green Plan từ cách đây rất sớm, nay đã hơn 10 năm.
Theo bà Hà, mô hình này giúp công ty tạo ra nguyên liệu đầu vào ổn định thông qua việc kết hợp với người nông dân vùng trồng, tạo ra vùng dược liệu có chất lượng ổn định. Cộng hưởng các giá trị thông qua hoạt động nghiên cứu, công ty tạo ra sản phẩm có hiệu quả điều trị với mức giá hợp lý.
Trong ngành dược, Traphaco là một trong những doanh nghiệp đi đầu xu thế “Pharma 4.0” – ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh dược phẩm. Sau hơn 50 năm hoạt động, Traphaco hiện có bốn nhà máy lớn với các dây chuyền công nghệ đạt chuẩn GMP-WHO. Trong đó nhà máy tân dược Traphaco Hưng Yên vận hành hơn 5 năm, gần như tự động hóa quy trình sản xuất. Hướng tới phát triển xanh, đơn vị gia nhập Liên minh toàn cầu thương mại sinh học đạo đức (UEBT), vào Top 10 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam, nhận giải Doanh nghiệp xuất sắc và bền vững châu Á năm 2022.
Còn tại An Phát, ông Nguyễn Lê Thăng Long nhấn mạnh 25 năm qua đơn vị sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nhựa. Vì vậy công ty đặc biệt quan tâm chuyển đổi xanh, vì nhựa đặc thù liên quan đến môi trường. Đơn vị hiện tái cơ cấu sản xuất từ sản phẩm nhựa truyền thống sang các dòng thân thiện với môi trường hay phân hủy sinh học.
An Phát rất quan tâm đến câu chuyện về những công nghệ tái chế và luôn trăn trở để có thể thu gom được nguồn tái chế tốt hơn. Ông Thăng Long nhấn mạnh, thị trường châu Âu yêu cầu về hàm lượng tái chế còn ở Việt Nam, nguồn tái chế cần xuất phát từ Việt Nam hoặc nhập từ châu Âu. Đó là những thách thức mới đang dần dần định hình nền kinh tế của thế giới.
Theo ông Long, nhu cầu về nguồn nhựa xanh, nhựa phân hủy sinh học cho sản xuất ngày một tăng ở Việt Nam. Trong năm qua có một số những dự án ở Việt Nam có thể sản xuất nhựa tái và cả nguyên liệu mới. Hiện An Phát cũng đầu tư để tự chủ nguồn nguyên liệu xanh. “Đây sẽ là một trong những hướng đi làm thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh của An Phát”, ông Long nêu.
Dưới góc nhìn của An Phát, chuyển đổi số mang tính chất bắt buộc làm, cũng thành câu chuyện được thúc đẩy liên tục. Bước chuẩn bị đầu tiên gồm nhân sự và văn hóa doanh nghiệp, song song cần không ngừng hoàn thiện nền tảng quản trị. Điều này có nghĩa đơn vị cần thúc đẩy yếu tố G thông qua số hóa, quản lý chuyển đổi số. Để cân đối các nguồn lực, thực hiện tốt trong cả ba mảng E, S, và G, đơn vị cần định hình rõ chiến lược. Đơn cử trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, công ty cần xem xét có phù hợp gen Z hay không, thay vì bắt cả một thế hệ thay đổi theo văn hóa cũ.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và xây dựng chiến lược ESG, ông Arnaud Ginolin nói đơn vị cần đảm bảo mọi mục tiêu đều phải hiện thực hóa. Thứ hai là đánh giá chiến lược về các cơ hội để xây dựng chiến lược tổng thể. Bước cuối, doanh nghiệp nên tạo lực kéo trong công ty, thử nghiệm nhỏ, sáng kiến nhỏ rồi dần áp dụng quy mô lớn.
Việc triển khai ESG ở An Phát gắn liền nhân sự và văn hóa doanh nghiệp. Song song, đơn vị không ngừng hoàn thiện nền tảng quản trị, thúc đẩy thông qua số hóa. Môi trường làm việc gắn với tiêu chí xanh, thay đổi chính sách nhân sự phù hợp các thế hệ.
Với Traphaco, bà Hà cho biết điểm đầu tiên khi triển khai ESG là phải xây mô hình tăng trưởng về kinh tế; đầu tư máy móc thiết bị và quản trị giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng; cam kết cho cộng đồng, xã hội.
Minh Tú
DxTalks là chuỗi talkshow, quy tụ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ những câu chuyện thực tế về chuyển đổi số từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Theo dõi toàn bộ các tập về chuyển đổi số tại đây.
Chuỗi DxTalks được thực hiện bởi FPT Digital, chuyên tư vấn chuyển đổi số cho các tỉnh thành, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. FPT Digital hiện là đại diện duy nhất của Việt Nam được Gartner đưa vào danh sách toàn cầu trong hạng mục “Tư vấn Kiến trúc Doanh nghiệp hướng đến kết quả kinh doanh”, đồng thời nhận đánh giá 5 sao từ khách hàng trên hệ thống Gartner Peer Insight. FPT Digital là đơn vị tư vấn đầu tiên tại Việt Nam đạt giải Vàng Globee Awards năm 2023 cho hạng mục “Top Consulting Provider of The Year”, cùng hàng loạt các giải thưởng như giải Asia – Pacific Stevie Awards cho “Innovation in Digital Transformation”, giải Sao khuê cho dịch vụ Đào tạo Chuyển đổi số và dịch vụ Đánh giá mức độ trưởng thành số.
FPT Digital đã phát triển bộ công cụ DxRank giúp doanh nghiệp nhỏ có thể tự kiểm tra mức độ trưởng thành số, đăng ký miễn phí sử dụng DxRank tại đây. Đơn vị còn phát hành DxReport – báo cáo chuyên sâu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành nghề vào cuối mỗi tháng tại đây.