Chuyên gia bàn về cách nắm bắt xu hướng thị trường, ứng dụng giải pháp công nghệ nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi kép, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp tại DxTalks.
Nông nghiệp thông minh là xu hướng ngày càng phát triển, nhưng có rất nhiều thách thức. Bàn về lĩnh vực này, FPT Digital thực hiện DxTalks với chủ đề “Chuyển đổi kép trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp”. Chương trình có sự tham gia thảo luận của: ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc khối dịch vụ Tập đoàn Hồ Gươm; ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Otanics; ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital. Các chuyên gia chia sẻ về những thách thức và khuyến nghị phương pháp vượt qua.
Khái quát về nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, ông Nguyễn Duy Ninh đánh giá lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Lý do, nông nghiệp Việt vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình. Do đó, khả năng áp dụng chuyển đổi kép (chuyển đổi số cùng chuyển đổi xanh hướng tới việc phát triển xanh), phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong bức tranh này nổi lên một số điểm sáng như câu chuyện của Otanics, một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được thành lập trong quá trình chuyển đổi số Minh Phú, thông qua hợp tác chiến lược với FPT Digital. Theo ông Nguyễn Nhất Tuấn, Otanics đặt trọng tâm ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào ngành thủy hải sản, đặc biệt nhóm tôm. Thấu hiểu văn hóa sản xuất nhỏ lẻ, chiến lược của đơn vị đi từ các bước đơn giản nhằm thu hút lượng lớn nông dân tham gia hệ sinh thái, giúp họ khám phá những phần mềm, tính năng đơn giản, ứng dụng nhanh nhưng vẫn đem lại tính chính xác cao.
Lúc này, đội ngũ Otanics sẽ phân tích dữ liệu để xem xu hướng của người dùng và giải quyết các nút thắt hiện tại, nâng cao tính năng cho quá trình nuôi tôm dựa trên dữ liệu, tạo ra giá trị mới cho ngành.
Về quá trình chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Thành Đại Lĩnh nhận định rào cản lớn nhất nằm ở việc người dùng thường không có nhiều kiến thức cũng như trải nghiệm công nghệ. Vì vậy, trong quá trình FPT Digital đồng hành Minh Phú, đưa ra những ứng dụng về công nghệ cần áp dụng trên diện rộng cho vùng nuôi tôm tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hai đơn vị quan tâm đến vấn đề: làm cho nền tảng dễ thao thao tác, tiếp cận với cả người nông dân.
Một số thách thức khác liên quan đến đảm bảo hoạt động ổn định của thiết bị, hạ tầng mạng như môi trường mưa nắng, độ ẩm, nhiệt độ cao hay tín hiệu 4G, 5G… Điều này cũng ảnh hưởng tới việc huy động được số lượng lớn người tham gia, thu thập dữ liệu hoạt động hàng ngày, từ đó đưa ra những quyết định hay mô hình hoạt động hiệu quả, tạo sự thay đổi có ý nghĩa trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.
Tuy vậy theo ông Ninh, lĩnh vực này có nhiều cơ hội vì thị trường con đang bị bỏ ngỏ, đầy tiềm năng khai phá cho đơn vị công nghệ. Ngoài ra, người Việt Nam có thế mạnh am hiểu làm nông nghiệp và tư duy logic. Nhiều đơn vị hiện nay với thế hệ lãnh đạo từ 7x trở lên, đã thuần thục công nghệ, sẽ góp phần tạo nên thành công các chiến dịch. Rộng hơn, Việt Nam đã có hạ tầng viễn thông tốt, từ người nông dân đến bán vỉa hè đều sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet.
Ngoài ra hiện nay có một từ khóa phổ biến là “chuyển đổi xanh”. Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp đã áp dụng nhiều trên thế giới, tối ưu hoạt động, đóng góp xây dựng xã hội cộng đồng, thân thiện hơn với môi trường. Để bắt kịp xu hướng về ngành nông nghiệp xanh, giảm phát thải ra môi trường, ông Ninh gợi ý doanh nghiệp cần nhận thức về xu thế hiện nay để có các bước hành động phù hợp. “Việc đầu tiên là chúng ta phải dũng cảm, chấp nhận rủi ro để bước đi, nhận về các bài học để nhanh chóng và tự tin hơn khi chuyển đổi số – chuyển đổi xanh”, ông Ninh nói.
Với ông Tuấn, quá trình phát triển công nghệ để áp dụng trong ngành nông nghiệp cần đặt ra nhiều tiêu chí. Đầu tiên, công nghệ đó có thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, người sử dụng hay không. Nếu khi áp dụng mà đẩy giá cao sẽ rất khó. Trong nông nghiệp thì giá thành phải cạnh tranh, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn so với đối thủ trên thế giới. Tại Otanics, có được dữ liệu là sẽ biết là giai đoạn nào nên tối ưu để thu hoạch, tăng chất lượng của con tôm, giúp giám sát được chi phí. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, do đó đã được các vùng nuôi áp dụng diện rộng, Tiếp đó, cần đến truyền thông mạnh để cho mọi người biết phát triển bền vững là như thế nào để họ bắt đầu câu chuyện chuyển đổi dễ dàng hơn.
Về phía ông Lĩnh, ông nêu một khái niệm phổ biến hiện nay là “chuyển đổi kép” – giải pháp mang lại nhiều giá trị cho cho lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ trong câu chuyện của Otanics, khi nuôi tôm dựa trên dữ liệu tức là đơn vị sẽ kiểm soát được tỷ lệ thả con giống trên diện tích ao nuôi, dẫn tới kiểm soát được số lượng thức ăn cũng như các vật tư, vật liệu, thiết bị nuôi trồng. Từ đó đơn vị sử dụng sẽ tiết kiệm được chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra lợi thế không chỉ với doanh nghiệp cũng như toàn bộ nhóm thụ hưởng toàn chuỗi cung ứng. Tuy vậy một số doanh nghiệp khi tiếp cận xu hướng này sẽ đi ngay vào giải pháp. Cách này không hoàn toàn sai nhưng để thành công cần đến một đội ngũ công nghệ thông tin, đảm nhận điều chỉnh giải pháp, hiểu rất rõ các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp.
Hiện nay ở hầu hết doanh nghiệp, bao gồm nông nghiệp, số lượng nhân sự phụ trách về công nghệ thường dưới 1% tổng số nhân viên. Đây là con số khá thấp và chỉ đảm bảo được một số tiêu chuẩn chứ chưa đủ để doanh nghiệp bứt phá. Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng trên thế giới, lấp đầy khoảng cách giữa hiện tại và tương lai thông qua ứng dụng công nghệ, thay đổi quy trình bằng cách bổ sung nguồn lực.
“Tuy nhiên chuyển đổi kép cần phải có một cái góc nhìn rộng hơn, thay vì chỉ tập trung giải quyết những vấn đề hay thách thức, khó khăn riêng lẻ của từng phòng ban”, ông Lĩnh nêu.
Minh Tú
DxTalks là chuỗi talkshow, quy tụ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ những câu chuyện thực tế về chuyển đổi số từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Theo dõi toàn bộ các tập về chuyển đổi số tại đây.
Chuỗi DxTalks được thực hiện bởi FPT Digital, chuyên tư vấn chuyển đổi số cho các tỉnh thành, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. FPT Digital hiện là đại diện duy nhất của Việt Nam được Gartner đưa vào danh sách toàn cầu trong hạng mục “Tư vấn Kiến trúc Doanh nghiệp hướng đến kết quả kinh doanh”, đồng thời nhận đánh giá 5 sao từ khách hàng trên hệ thống Gartner Peer Insight. FPT Digital là đơn vị tư vấn đầu tiên tại Việt Nam đạt giải Vàng Globee Awards năm 2023 cho hạng mục “Top Consulting Provider of The Year”, cùng hàng loạt các giải thưởng như giải Asia – Pacific Stevie Awards cho “Innovation in Digital Transformation”, giải Sao khuê cho dịch vụ Đào tạo Chuyển đổi số và dịch vụ Đánh giá mức độ trưởng thành số.
FPT Digital đã phát triển bộ công cụ DxRank giúp doanh nghiệp nhỏ có thể tự kiểm tra mức độ trưởng thành số, đăng ký miễn phí sử dụng DxRank tại đây.
FPT Digital còn phát hành DxReport – báo cáo chuyên sâu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành nghề vào cuối mỗi tháng tại đây.