Để nhận quà ảo trên TikTok Live, nhiều người, trong đó có trẻ em, bất chấp mạo hiểm để thực hiện các hành động lôi kéo.
“Xin hãy ủng hộ. Chúng cháu rất nghèo”, ba đứa trẻ, được cho là đang ở trong một túp lều ở Afghanistan, đứng trước máy quay và chắp tay. Các buổi phát trực tiếp (livestream) của chúng tiếp cận người xem ở khắp thế giới qua TikTok Live. Trong nhiều giờ, cả ba xin những “món quà” ảo có thể đổi thành tiền.
Ở một video khác, một cô gái nhảy múa, thỉnh thoảng hét lên nếu có ai đó gửi quà. Món quà thường là bông hồng ảo giá 1 penny (0,01 USD), nhưng người được tặng chỉ nhận khoảng nửa giá trị.
Ngoài việc cầu xin, nhiều buổi livestream còn xuất hiện những hành động “hạ thấp phẩm giá” hoặc nguy hiểm, chẳng hạn tự đánh mình, thực hiện động tác giật gân, không ngủ vài ngày, phủ bùn lên người…

Một số buổi livestream xin ủng hộ trên TikTok Live. Ảnh: TikTok
TikTok cho biết họ cấm trẻ ăn xin và những hình thức tương tự trên nền tảng, coi đó là một hình thức bóc lột. Mạng video của ByteDance cũng có chính sách nghiêm ngặt đối với người dùng phát trực tiếp.
Tuy nhiên, theo Observer, hình thức ăn xin trực tuyến vẫn rất phổ biến trên nền tảng, thậm chí được thuật toán tích cực quảng bá. Người livestream sau khi nhận quà không sở hữu toàn bộ, mà phải “chia” cho TikTok, thường chiếm một nửa giá trị quà tặng ban đầu, đôi khi đến 70%.
Đại diện TikTok không phủ nhận con số trên, nhưng cho biết 30% doanh thu từ quà tặng được chuyển vào “phí cửa hàng ứng dụng và chi phí nhà cung cấp dịch vụ thanh toán”. Nền tảng hiện bán khoảng 100 quà tặng ảo, từ bông hồng 1 penny đến những món đồ 44.999 penny (578 USD).
Olivier de Schutter, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, gọi xu hướng này là “diễn biến gây sốc”. Ông cáo buộc TikTok “kiếm lợi từ nỗi thống khổ của mọi người”.
“Việc cắt một phần tiền từ nỗi thống khổ của người khác cũng không khác gì hành vi ‘săn mồi’ trên môi trường kỹ thuật số”, Schutter nói với Guardian. “Tôi kêu gọi TikTok thực thi các chính sách của mình về nạn ăn xin. Công ty cũng nghiêm túc đặt câu hỏi về ‘hoa hồng’ đang lấy từ những người dễ bị tổn thương nhất thế giới”.
Jeffrey DeMarco, chuyên gia về tác hại kỹ thuật số của tổ chức Save the Children, cũng cho rằng TikTok đang “lạm dụng” và kêu gọi các cơ quan quản lý cần “hành động lập tức để đảm bảo các nền tảng không còn cho phép hay hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp” qua các hình thức tương tự.
Theo phân tích của Observer từ tháng 1 đến tháng 4, việc ăn xin trực tuyến và các hành vi tương tự xuất hiện nhiều nhất tại Indonesia, Pakistan, Afghanistan, Syria, Ai Cập và Kenya. Nhiều luồng livestream cho thấy bối cảnh thực hiện tại nhà, nhưng một số dường như có dấu hiệu của việc ăn xin có tổ chức.
Được giới thiệu vào tháng 8/2020, TikTok Live là tính năng cho phép người sáng tạo phát nội dung trực tiếp. Theo nền tảng, 100 triệu người đã livestream năm 2024, tiếp cận “hàng tỷ người dùng” theo thời gian thực.
Phát ngôn viên của TikTok cho biết nền tảng đã dừng hơn 4 triệu buổi phát trực tiếp mỗi tháng “để giữ nền tảng an toàn”, buộc tài khoản được livestream cần đủ 18 tuổi và có từ 1.000 người theo dõi trở lên. Riêng trẻ em có thể xuất hiện cùng người lớn.
Thực tế, việc “ăn xin online” trên TikTok cũng có một số mặt tích cực. Ví dụ, một gia đình ở Philippines huy động thành công tiền từ cộng đồng để phẫu thuật tách cặp song sinh dính liền. Các tổ chức từ thiện cũng có thêm kênh tiềm năng để tiếp cận những người cần giúp đỡ. Tuy nhiên, Catherine Turner, chuyên gia thuộc tổ chức Anti-Slavery International, cho rằng dù trẻ em hoặc người nghèo xuất hiện trên video để cầu xin giúp đỡ, số tiền có thể về đổ túi người “chăn dắt” đứng sau.
Hoàng Phương (theo Guardian, Observer)
- Chuyên gia Mỹ: TikTok gây tác hại nghiêm trọng hơn Douyin
- Amazon gửi đề nghị phút chót mua TikTok tại Mỹ