Hai tháng trước khi tắt sóng 2G, các hệ thống bán lẻ di động đã dừng kinh doanh điện thoại “cục gạch” 2G.
Tìm mua máy giá rẻ để làm thiết bị “sơ cua”, Vĩnh Hùng, nhân viên giao hàng tại TP HCM, cho biết hầu hết hệ thống báo chỉ kinh doanh feature phone (điện thoại phổ thông) hỗ trợ kết nối 4G, các dòng 2G Only hoặc 2G + 3G chỉ còn dạng máy cũ, bán ở cửa hàng nhỏ lẻ.
Ban đầu, Hùng dự định tìm điện thoại khoảng 300 nghìn đồng, không yêu cầu về công nghệ, chỉ cần nghe gọi được. Tuy nhiên sau khi được cập nhật về lộ trình tắt sóng 2G từ ngày 15/9, anh đã chi thêm tiền để mua điện thoại Mobell phím cứng, giá 500 nghìn đồng, có kết nối 4G.
Đa số đại lý bán lẻ di động lớn tại Việt Nam xác nhận đã ngừng kinh doanh điện thoại 2G. Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại FPT Shop, cho biết toàn bộ điện thoại bán tại hệ thống đều tích hợp 4G trở lên, kể cả feature phone lẫn smartphone.
Nhu cầu dùng điện thoại “cục gạch” ở Việt Nam vẫn tồn tại nhưng đã suy giảm. “Công nghệ phát triển, giá smartphone ngày càng dễ tiếp cận khiến nhu cầu điện thoại 2G tự nhiên giảm. Người dùng có xu hướng chuyển sang smartphone giá rẻ và trung cấp để thay cho ‘cục gạch’ 2G”, ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông hệ thống Viettel Store, nhận định.
Theo ông Khuê, khi thông tin tắt trạm 2G được thông báo đến các đơn vị liên quan từ tháng 5, hệ thống ghi nhận lượng khách chuyển đổi từ điện thoại 2G lên 4G tăng 30%. Trong khi đó, đại diện FPT Shop cho biết mức tăng trưởng là 50% so với tháng trước.
Đại diện hệ thống CellphoneS nhận định, yêu cầu dừng hoạt động thuê bao 2G only của cơ quan chức năng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh số của điện thoại cơ bản, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới đại lý do tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm này thấp.
Không chỉ các mẫu 2G giá rẻ bị dừng bán, ở phân khúc cao cấp, điện thoại hạng sang như Vertu không có 4G cũng dần bị loại khỏi kệ hàng chính hãng. Nguyễn Ngọc Ngân, CEO Vertu Việt Nam, cho biết từ đầu năm đến nay, ngày càng nhiều khách hàng tìm đến nhờ hỗ trợ vì tình trạng điện thoại Vertu 2G bị sóng yếu, kết nối chập chờn, ảnh hưởng quá trình liên lạc. Nhiều người chuyển hẳn sang máy chính hãng hỗ trợ 4G.
Từ tháng 3, hàng loạt nhà bán lẻ như FPT Shop, Thế giới Di động, CellphoneS, Di động Việt đã đồng loạt triển khai chương trình thu cũ 2G đổi mới 4G. Người dùng đem điện thoại 2G đang sử dụng đến và sẽ được đổi lên máy 4G với mức trợ giá từ 300.000 đồng. Trong khi đó, người dùng có nhiều lựa chọn smartphone giá rẻ từ các thương hiệu lớn như Samsung với các mẫu Galaxy A14, A15, A25 hay Xiaomi với A2, 12C, 13C và Oppo A17K.
Theo lộ trình tắt sóng được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 5/7, ngày 15/9 là thời hạn ngừng cung cấp dịch vụ thuê bao điện thoại 2G Only và đến tháng 9/2026 sẽ ngừng hoàn toàn 2G, trừ một số trường hợp đặc biệt như tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK.
Từ nay đến 2026, mạng 2G vẫn được duy trì nhưng không mở mới thuê bao, chỉ để phục vụ thuê bao vốn dùng máy 3G và 4G đời cũ, chưa hỗ trợ tính năng thoại qua mạng di động, trước khi các dòng điện thoại này biến mất hoàn toàn.
Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông chưa công bố số liệu thống kê về lượng thuê bao 2G Only hiện tại, trong khi đến cuối 2023, con số ước tính vẫn trên 15 triệu. Để hạn chế thuê bao mới, từ tháng 3, Cục yêu cầu doanh nghiệp không cho nhập mạng với điện thoại chỉ hỗ trợ 2G và không có chứng nhận hợp quy. Sau hơn hai tháng, hơn 850 nghìn lượt nhập mạng qua các thiết bị này đã bị ngăn chặn.
Khương Nha